Xôi vị là một món ăn ngọt được chế biến chủ yếu từ 2 nguyên liệu có thể được xem là tiêu biểu cho sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam đó là nếp và dừa. Xôi vị nấu chín thơm nức mùi nước dừa và đường, hạt xôi mềm, dẻo kết hợp với vị ngọt vừa phải và vị béo ngậy của dừa tạo nên món xôi không lẫn vào đâu được trong các món xôi của Việt Nam.
Bánh lá dừa có rất nhiều loại, điểm khác nhau cơ bản giữa các loại bánh là ở phần nhân bánh: nhân chuối, nhân đậu xanh hay nhân dừa. Tùy từng nơi có thể dùng lá dừa nước hay lá dừa thông thường để gói, lá dừa gói bánh phải là lá dừa non có màu trắng ngà xanh, như vậy bánh sẽ dễ gói và có màu sắc đẹp hơn. Nguyên liệu chính của bánh lá dừa là nếp.
Bánh ú là một loại bánh khá đặc biệt trong văn hoá ẩm thực Việt Nam. Đặc biệt vì cùng một tên gọi nhưng có đến 2 loại bánh không những hình dáng không giống nhau mà cả ý nghĩa, mục đích sử dụng của từng loại cũng khác xa nhau.
Người miền Nam lại có bánh ướt ngọt được cuốn với nhân đậu xanh và dừa. Mỗi lá bánh mỏng mịn, xanh mướt màu lá dứa hay vàng ngà màu đường điểm xuyết thêm màu xanh vàng của đậu xanh cùng màu trắng của các sợi dừa đã tạo nên một nét hấp dẫn và độc đáo riêng.
Bánh ít hầu như có mặt trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam và ở mỗi miền lại có hình dạng và mùi vị khác nhau. Nếu như bánh ở miền Bắc có hình vuông, ở miền Trung có hình trụ dài thì ở miền Nam bánh lại có hình tháp. Đây là một loại bánh ngon không thể thiếu trong các ngày giỗ, trước để cúng ông bà, tổ tiên; sau là món quà dân dã, thân thương để biếu cho người ăn giỗ về làm quà. Bánh thường được làm trong các dịp Tết cổ truyền, đám tiệc…Nổi tiếng nhất là bánh ít lá gai Bình Định với bột nếp trong, màu đen và mùi đặc trưng của lá gai non.
Bánh in là những loại thực phẩm truyền thống của người Việt Nam. Không chỉ ở miền Trung mà vùng Tây Nam Bộ cũng có nhiều thương hiệu bánh in rất nổi tiếng như bánh in Cổ Cò (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), bánh in đậu xanh (Cao Lãnh, Đồng Tháp).